Bài viết Thủ thuật cấy tóc cho người châu Á- Những điều cần biết được biên dịch từ Sách “Phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt người Châu Á” của Tiến sĩ, Bác sĩ Jung I. Park.
Cấy tóc cho người châu Á khác biệt so với thực hiện trên người da trắng, vì những lí do sau:
1. Da đầu người châu Á có vẻ như tròn và rộng hơn, trong khi người da trắng có da đầu dài và hẹp. Đồng thời, người châu Á thường có khuynh hướng tạo sẹo lồi hay sẹo phì đại. Do đó, có thể sẽ thấy sẹo rộng khi thực hiện phẫu thuật cắt giảm da đầu trên người châu Á.
2. Hầu hết tóc người châu Á đen, khô ráp và thẳng. Cấy tóc sẽ gặp khó khăn, nhất là trên màu da sáng. Nhiều người Hàn Quốc tóc dày sẽ tạo nên sự tương phản giữa tóc và màu da, và cần ít mô ghép (thường là ít hơn 2 sợi tóc/ mô ghép) để tạo nên vẻ tự nhiên. Da đầu vùng chẩm của người Hàn quốc bao gồm 45% là các đơn vị nang tóc có 1 sợi tóc, 42% là các đơn vị có 2 sợi tóc và 7% các đơn vị có 3 sợi tóc1. Cấy ghép đơn vị nang tóc sử dụng cụm tóc tự nhiên. Một lợi điểm của cấy ghép đơn vị nang tóc, đó là một vùng có thể tự trụ vững và tạo vẻ tự nhiên xuất sắc. Những qui trình tiếp theo, đơn giản chỉ là quyết định tăng mật độ tóc của bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần thời gian phẫu thuật dài, ê-kíp phẫu thuật tin cậy, và sử dụng mô ghép tinh vi hơn. Những yếu tố này gây ra một khó khăn mới, đó là tóc phát triển chậm. Kỹ thuật này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp của những người phụ mổ được đào tạo nâng cao và nhiều kinh nghiệm, cũng như các phẫu thuật viên.
3. Người châu Á thường có đường chân tóc thấp, rộng và phẳng, cùng với đường uốn cong rộng và mềm mại. Những đặc điểm này gây nên sự khó khăn khi tạo đường chân tóc. Phẫu thuật viên phải bàn bạc với bệnh nhân và điều chỉnh đường chân tóc mong muốn để cho ra kết quả thẩm mĩ tốt.
4. Người châu Á có mật độ tóc ít hơn so với người da trắng. Tóc của người Hàn Quốc có mật độ khoảng 120 sợi tóc/cm2 vùng chẩm và khoảng 100 sợi tóc/ vùng thái dương. Do đó, cần mảng tóc hiến rộng hơn, và nguồn tóc hiến sẵn có thì lại giới hạn.
5. Người châu Á nói chung muốn có nhiều tóc. Họ mong đợi rất nhiều, và lưỡng lự chấp nhận tình trạng rụng tóc vùng đỉnh. Phải thông báo cho bệnh nhân biết rõ về tình trạng rụng tóc trong tương lai.
1. Lên kế hoạch
Hói đầu kiểu nam là một tình trạng tiến triển. Việc lên kế hoạch cũng nên bao gồm cân nhắc những khu vực ảnh hưởng hiện tại và về sau. Phẫu thuật viên nên thực hiện cấy ghép ở những vùng vẫn còn tóc, nhưng có nguy cơ bị rụng tóc trong tương lai. Vùng chẩm không phải là khu vực ưu tiên để cấy ghép, nhất là ở bệnh nhân trẻ, bởi vì sự khó khăn trong việc tính toán chính xác hiện tượng mất tóc về sau này. Khôn khéo những vùng mô hiến còn lưu trữ tóc có khả năng duy trì vĩnh viễn.
Bệnh nhân trẻ được khuyến cáo bắt đầu các liệu trình điều trị. Finasteride kèm/không kèm mi- noxidil có nhiều khả năng sẽ làm giảm sự mất tóc trong tương lai và có thể làm tăng trưởng tóc, nhất là vùng chẩm. Dữ liệu 5 năm mới nhất về finasteride cho thấy, 66% bệnh nhân được điều trị đã mọc nhiều tóc vùng chẩm hơn so với khi bắt đầu liệu pháp. Tính hiệu quả của cả hai thuốc trên vùng chẩm là một lí do nữa để trì hoãn việc cấy ghép tóc ở khu vực này. Bằng việc ngăn chặn hoặc làm giảm nguy cơ mất thêm tóc, phẫu thuật viên sẽ có vùng biên an toàn nhiều hơn.
Đường chân tóc được cấy không nên quá thấp hoặc sẽ gây góc tù quá mức ở vùng lõm chân tóc trán – thái dương. Đường chân tóc tự nhiên là một vùng tóc thưa, mỏng và mọc bất qui tắc, với mật độ tóc tăng dần từ vùng trán bị hói cho đến vùng tóc dày và thô ráp ở đỉnh. Vị trí của nó rất quan trọng, vì nó sẽ tạo nên đường viền cho khuôn mặt và cải thiện tính thẩm mĩ đã mất do hói đầu.
2. Hướng dẫn Tiền phẫu và Gây mê
Gội đầu bằng dầu gội vào đêm trước và sáng ngày phẫu thuật. Tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, xét ng- hiệm nhanh HIV và kháng nguyên viêm gan B, C, và một bệnh sử cũng như thăm khám tổng quát nên được thực hiện cho mọi bệnh nhân trước khi bắt đầu phẫu thuật. Khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, tác giả thường chụp ảnh trước phẫu thuật. Cho bệnh nhân uống Diazepam 10mg vào khoảng 30 phút trước phẫu thuật để giảm lo âu và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc tê.
Đánh giá cẩn thận vùng thu hoạch mô bằng thước đo mật độ để phân loại những cụm tóc 1 sợi, 2 sợi, 3 sợi lấy từ nơi hiến.
Tóc ở vùng thu hoạch được kẹp lại ở mức 1.0-1.5cm (Hình 44-1). Bệnh nhân được đặt ở tư thấ nằm sấp và phủ chăn, dán băng dính ở vùng không có tóc của phẫu trường. Dung dịch pha gồm 1% lidocaine với epinephrine 1:100,000 được truyền chậm qua kim 30G vào mô sâu để nâng da đầu và làm cứng mô hiến. Đo oxy mao mạch bằng máy SpO2 trong suốt quá trình phẫu thuật.
3. Thu thập vạt và khâu đóng
Vì vạt tóc tương đối thưa thớt và khuynh hướng tạo sẹo dày ở người châu Á, nên các vết sẹo tại vùng lấy tóc rất thường gặp. Vết sẹo chấp nhận được về mặt thẩm mĩ có thể đạt được nhờ chọn lựa bệnh nhân kĩ, giảm các yếu tố nguy cơ, và kỹ thuật phẫu thuật tỉ mỉ. Dù có nhiều lưu ý, nhưng một phần trăm nhỏ bệnh nhân vẫn phải gánh chịu vết sẹo rõ.
Tác giả thiên về kỹ thuật lấy vạt tóc vùng bên. Kỹ thuật này sử dụng phần tóc ở vùng đỉnh. Vùng thu hoạch kéo dài từ đường giữa vùng chẩm, đi vào vùng đỉnh và sau vùng thái dương. Chiều rộng vùng thu hoạch thường là 1.2 – 1.5 cm, và độ dài 10 – 14 cm. Tác giả thường lấy khoảng 2000 sợi tóc mỗi lượt. Bên đối diện được sử dụng cho lượt hai (Hình 44-2).
Thêm vào đó, tác giả ưa thích kỹ thuật lấy mô kiểu ê-líp, bằng dao một lưỡi #20 hơn là kỹ thuật dao nhiều lưỡi (Hình 44-3). Vì nang tóc của người châu Á dài hơn của người da trắng, khả năng có vết cắt ngang thì cao hơn.
Bề mặt da đầu được rạch đánh dấu nhẹ nhàng bằng dao #20, sau đó rạch sâu hơn. Rạch vùng mô hiến tới khoảng mô mỡ dưới da (Hình 44-4). Mặt dưới của mô hiến không nên bị dính máu. Nhiễm máu vào mô mỡ gây phức tạp cho việc cấy ghép mô. Phẫu thuật viên nên thực hiện kỹ thuật ở phần trên lớp cân mạc bọc xương sọ và chỉ đụng chạm ở mức rỉ máu nhẹ. Rất ít khi dùng dao đốt điện.
Sẹo lớn có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân trẻ tuổi. Làn da người trẻ tuổi có tính đàn hồi nhiều hơn. Mức độ tổng hợp colla- gen cũng cao hơn ở người trẻ. Tác giả thường lấy vạt dài và mỏng đối với bệnh nhân trẻ. Vết mổ được đóng lại với mũi khâu một lớp liên tục với chỉ khâu đơn sợi 3-0 không tan. Nhìn chung, vạt ngắn, rộng có thể lấy ở bệnh nhân lớn tuổi, vì họ ít xảy ra đáp ứng viêm mạnh và ít tạo mô sẹo hơn người trẻ. Trong trường hợp này, việc đóng vùng lấy mô sẽ chịu biến chứng bởi sức căng từ các bờ vết mổ. Đóng vết thương bằng kỹ thuật khâu Pulley 3 điểm: một điểm ở giữa vết thương, và hai điểm còn lại ở hai đầu vết thương (Hình 44-5).
Kỹ thuật khâu ngắt quãng được dùng để hoàn thiện khoảng cách giữa hai bờ vết thương. Khâu kiểu pulley rất hữu dụng khi khâu đóng những vết thương chịu sức căng mà không có biến chứng liên quan đến việc tạo nhiều khoảng trống. Cắt chỉ khâu sau 10 ngày hậu phẫu. Chiêu dài và chiều rộng của vạt hiến, sức căng của vết khâu đóng, và số vạt thu được sẽ được ghi lại trên biên bản phẫu thuật và dùng để tính số lượng mô hiến sẽ lấy cho lượt kế.
4. Chuẩn bị vạt
Đặt vạt mô đã phẫu tích lên khối gỗ (gỗ bạch dương) và cắt thành từng phân khúc nhỏ bằng lưỡi dao mổ #20, và cẩn thận đặt lưỡi dao ở giữa và theo cùng một hướng với các nang tóc nhìn thấy được (Hình 44-6).
Cũng lưỡi dao đó, cắt mỗi phân khúc nhỏ thành các đơn vị nang tóc. Mẫu mô được cắt tỉa, loại bỏ những phần bì và mô dưới da không cần thiết, tạo nên các mô tóc sạch và được tỉa gọn gàng (Hình 44-7). Những mẩu mô này giúp việc cấy ghép có mật độ cao hơn, so với khi dùng mẫu mô có đi kèm với mô bì xung quanh. Không được để mẫu mô khô trong suốt quá trình chuẩn bị mô.
Đường cắt ngang là không thể tránh khỏi trong suốt quá trình cắt vạt. Tuy nhiên, tác giả sẽ cấy những mô tóc đã cắt ngang. Nang tóc cấy ở trên sẽ tái tạo lớp tóc mỏng, và phần nang ở dưới sẽ tái hoàn chỉnh một nang tóc.
Nang tóc được giữ trong đĩa pe- tri bằng gạc hoặc băng Telfa (của Kendall Co., Mansfield, MA) được tưới ẩm ít nhất một nửa diện tích bằng nước muối sinh lý (Hình 44- 8). Nang tóc được bảo quản có thể chịu đựng lâu hơn ở 4oC so với nhiệt độ phòng thường. Việc trữ những mô nang tóc đã được xử lý bẳng gạc hay băng Telfa (tiếp xúc dịch – khí) sẽ làm tăng tính nguyên vẹn của mô tóc, nếu so với việc bảo quản chìm. Nếu ngâm mô tóc trong dịch, nó sẽ hấp thụ nhiều dịch, gây khó khăn khi đặt vào trong kim cấy tóc.
Dù sử dụng nước muối sinh lý, nhưng mô tóc vận được khuyên sử dụng trong thời gian 6 giờ.
5. Cấy tóc
Dung dịch gồm lidocaine 2% và epinephrine 1:100,000 được dùng để tạo vòng cản dọc theo đường chân tóc và khu vực nhậc tóc cấy. Tác giả không tiêm cùng lúc cả khu vực nhận tóc cấy, mà thay vào đó, chỉ tiêm từng vùng cấy nhỏ.
Từng đơn vị nang tóc được đặt vào kim cấy tóc KNU bằng nhíp đầu nhỏ (hình 44-9). Phẫu thuật viên nên đặt kim vào da theo góc độ mong muốn và nhấn piston. Mũi kim sẽ tự động bật ra, để lại mô nang tóc được chèn chặt vào trong da. Nên chú ý phần móc ở đầu kim giúp giữ mô đúng chỗ khi kim bật ra (hình 44-10).
Do đó, kim cấy tóc KNU cần ít thao tác trên mô tóc bằng tay, và giảm thiểu các động tác nghiến, xoắn vặn hay bè cong mô tóc. Có 3 loại kim cấy tóc KNU hiện hành:
1) kiểu L (trang bị kim 18G) dùng cho cấy nang tóc 3 sợi; 2) kiểu M (kim 20G) dùng cho nang tóc sợi đôi hoặc sợi đơn; và 3) kiểu S (kim 22G) dùng cho nang tóc đơn sợi (hình 44-11). Đầu móc của kim cấy giúp cân bằng thượng bì của mô tóc và vùng cấy, khiến cho
điểm ra của mỗi sợi tóc mang vẻ tự nhiên. Điều này rất quan trọng vì tránh chôn vùi mô tóc xuống dưới bề mặt da xung quanh. Tốt hơn hết là để mô tóc trồi lên một chút so với bề mặt da, hơn là vùi xuống, vì về sau có thể gây chỗ lõm hay nang thượng bì. Kim cấy tóc KNU giúp đảm bảo hướng và góc chính xác của mô tóc (hình 44-12). Góc cấy chính xác sẽ làm giảm chảy máu và hiện tượng “trồi lên”.
Đường chân tóc được tạo đầu tiên bằng các nang tóc đơn. Các đơn vị nang tóc được chèn vào ngẫu nhiên nhằm đảm bảo cấu trúc nguyên mẫu về sau của đường chân tóc.
Với đa số bệnh nhân, việc cấy giới hạn ở 2/3 trước của vùng có nguy cơ hói thì hợp lý và chấp nhận được về mặt thẩm mĩ hơn. Nếu bệnh nhân muốn thực hiện trên toàn bộ vùng hói, mô tóc sẽ được cấy với mật độ thấp hơn ở 1/3 sau.
Mô tóc trồi lên rất phiền phức và làm kéo dài cuộc phẫu thuật. “Trồi lên” chỉ các mô tóc đã cấy đi lên khỏi mặt da trong khi đang cấy mô tóc khác. Để giảm hiện tượng này, các nang tóc thường được cấy từ sau ra trước và từ trái sang phải. Cách này làm giảm sức ép trên các nang tóc đã cấy ở vùng sau – trái.
Tiêm bổ sung lượng nhỏ epinephrine 1: 50,000 theo chu kì bất kì khi nào có nguy cơ chảy máu trong cược phẫu thuật.
Mật độ nang tóc hơn 40 nang/cm2 sẽ gây chậm phát triển sợi tóc. Cấy bằng kim KNU với mật độ 30 – 40 nang/cm2 sẽ không làm giảm sức sống của tóc.
Với các nang tóc nghiêng về trước và sang một bên, chải tóc từ bên và trước sẽ tạo hiệu ứng tầng làm tóc trông dày và nhiều hơn. Hiệu ứng tầng là một yếu tố quan trọng trong quy trình thẩm mĩ bảo tồn tóc ở người châu Á. Mật độ tóc tạo ra có thể ít hơn mật độ vốn dĩ. Nhưng với hiệu ứng tầng, ánh sáng sẽ khó xâm nhập đến da đầu và sẽ khó nhận thấy mật độ tóc thấp.
Nhiều phẫu thuật viên sử dụng hydrogen peroxide (H2O2, hay còn gọi là oxy già – ND) để khử máu trong và sau phẫu thuật. Sự phát triển của tóc sẽ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ, thậm chí chỉ với 1 phút dùng nồng độ hydrogen peroxide thương mại tiêu chuẩn 3%. Tác giả thường sử dụng nước muối sinh lý hay hydrogen perox- ide 1.5% để lau sạch da đầu trong khi cấy tóc.
Cấy ghép nang tóc bằng kim cấy KNU đặc biệt thích hợp với bệnh nhân trẻ hay phụ nữ có khoảng cách trung bình giữa các sợi tóc hẹp, vì nó cho phép chèn mô tóc vào giữa các khoảng hẹp mà không làm hư lệch các sợi tóc có khả năng sống lâu (hình 44-13).
Tác giả thường thực hiện các lượt bảo tồn tóc với khoảng 2000 nang tóc (hình 44-14 và 44- 15). Thời gian phẫu thuật khoảng 3 tiếng. Một ê-kíp 6 người là thường gặp, bao gồm một bác sĩ cấy nang tóc, một phụ mổ đặt nang tóc vào kim cấy KNU, và 4 người phụ tá chuẩn bị các nang tóc.
6. Chăm sóc hậu phẫu
Không cần dán băng. Vùng cấy tóc thường được để hở. Hành động này giúp vùng cấy tiếp xúc với không khí để khô nhanh hơn. Corticosteroid đường uống, thuốc giảm đau, và kháng sinh được kê. Tóc sẽ được gội cẩn thận vào buổi sáng sau ngày phẫu thuật. Bệnh nhân có thể tự gội đầu và ngày hậu phẫu thứ 2. Làm ướt tóc 15 phút trước khi gội đầu rất hữ dụng để làm bong các mảng dính cứng nhanh hơn.
7. Khám hậu phẫu và Biến chứng
Hầu hết bệnh nhân thường gặp phù, dù không phải tất cả, bắt đầu sau 1-2 ngày sau phẫu thuật và kéo dài 3-5 ngày. Giảm cảm giác do đụng chạm nhiều vào thần kinh cảm giác ở vùng lấy tóc. Tình trạng này xảy ra tạm thời; hầu hết trường hợp sẽ cải thiện sau 3-6 tháng. Sẹo phì đại có thể xảy ra trên những cá nhân mẫn cảm.
8. Tài liệu tham khảo
1. Lee SJ, Kim DW, Jun JB, et al: Observations on the grouping pattern of scalp hairs and com- pound hair in a normal healthy population, Korean J Dermatol 32(6):998, 1994.
2. Bernstein RM, Rassman WR: The logic of follicular unit transplantation, Dermatol Clin 17(2):277, 1999.
3. Finasteride Male Pattern Hair Loss Study Group: Long-term (5-year) multinational experience with finasteride 1 mg in the treat- ment of men with androgenetic alopecia, Eur J Dermatol 12(1):38, 2002.
4. Stough DB, Haber RS: The donor area. In Stough DB, Haber RS, eds: Hair replacement, ed 1, St Louis, 1996, Mosby, p 131.
5. Limmer BL: Elliptical
donor harvesting. In Stough DB,Haber RS, eds: Hair replacement, ed 1, St Louis, 1996, Mosby, p 142.
6. Hitzig GS: Pulley suture utilization in scalp reconstruction surgery, J Dermatol Surg Oncol 18(3):220, 1992.
7. Hwang SJ, Lee JJ, Oh BM, et al: The effects of dehydration, pres- ervation temperature, and time on the hair grafts, Ann Dermatol 14(3):149, 2002.
8. Kim JC, Choi YC: Hair fol- licle regeneration after horizon- tal resecting: implications for hair transplantation. In Stough DB, Haber RS, eds: Hair replacement, ed 1, St Louis, 1996, p 358.
9. Lee SJ, Lee HJ, Hwang SJ, et al: Evaluation of survival rate af- ter follicular unit transplantation using the KNU implanter, Dermatol Surg 27:716, 2001.
Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề