Bài viết Tìm hiểu về nâng mông trong cơ: Phương pháp XYZ được dịch bởi Ths, Bs Nguyễn Đình Trung từ sách PHẪU THUẬT TẠO HÌNH THẨM MỸ VÙNG MÔNG của Raul Gonzalez, MD*, Ricardo Gonzalez, MD.
1. TỪ KHÓA
- Implant mông Tạo hình mông
- Phương pháp XYZ
- Implant trong cơ
- Biến chứng
2. ĐIỂM QUAN TRỌNG
- Lộ vật cấy dưới da sau các thủ thuật nâng mông là điều khó được bệnh nhân chấp nhận vì chúng làm thay đổi lối sống và ngoại hình của họ.
- Các mặt phẳng nông như dưới da hoặc dưới cân thường không được áp dụng trong nâng mông thẩm mỹ vì tỉ lệ lộ vật cấy dưới da cao
- Việc bóc tách lớp cơ không đủ dày có thể dẫn tới lộ vật cấy
- Đối với thủ thuật nâng mông trong cơ, nên tìm cách đưa vật dụng bóc tách đến giữa lớp cơ thay vì bóc tách quá nông, điều này sẽ làm tăng khả năng lộ vật cấy dưới da sau phẫu thuật.
- Mặt phẳng sandwich – như được mô tả trong phương pháp XYZ là mặt phẳng chia đôi lớp cơ mông lớn thành hai phần bằng nhau và đặt khối implant ở giữa hai lớp cơ này giống như hình ảnh chiếc bánh mỳ kẹp.
3. IMPLANT LÀ MỘT LỰA CHỌN TRONG TÁI CẤU TRÚC VÙNG MÔNG
Implant mông là một trong những thủ thuật đầu tiên được sử dụng để tái cấu trúc vùng mông. Thủ thuật này bắt đầu được áp dụng từ những năm 1980, chủ yếu ở Châu Mỹ Latin trước khi ghép mỡ được ra đời. Tuy nhiên, ngay từ đầu, implant mông đã ghi nhận tỉ lệ biến chứng cao, và các nhà phẫu thuật đã không khuyến khích áp dụng chúng. Khi nghiên cứu, họ đã thấy rằng biến chứng xuất hiện hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: mặt phẳng giải phẫu được sử dụng và trình độ kỹ thuật của Bác sĩ. Các mặt phẳng dưới da, dưới cân và dưới cơ khi đặt túi implant đều ghi nhận kết quả thẩm mỹ kém và tỉ lệ biến chứng cao hơn. Nhưng đối với mặt phẳng trong cơ, khi được thực hiện đúng quy trình có thể đem lại kết quả tốt. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ biến chứng thấp hơn các mặt phẳng giải phẫu khác. Thậm chí khi so sánh với im- plant ngực, kết quả cũng khả quan hơn nhiều.
Implant mông đem lại hình thể mông cân đối và đầy đặn. Ngay cả khi implant không thể cải thiện toàn diện tình trạng sa, chùng da ở vùng mông; chúng cũng giúp nâng một phần mông, đặc biệt ở cực trên.
4. TÁI TẠO QUAN TRỌNG HƠN LÀM ĐẦY MÔNG
Khi tái tạo vùng mông, Bác sĩ phẫu thuật có thể áp dụng kỹ thuật implant hoặc ghép mỡ. Một số bác sĩ không quen với tái tạo có thể sẽ gặp khó khăn khi đưa ra quyết định nên áp dụng kỹ thuật nào. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, điều quan trọng là bệnh nhân có chỉ định tái tạo mông hay không và mong muốn của họ như thế nào chứ không phải là việc lựa chọn thủ thuật.
Không giống như ghép mỡ, implant đạt được hình dạng tròn trịa dựa trên cấu trúc tương đối cố định của khối implant, còn ghép mỡ thì lượng mỡ sẽ được phân bố đều đặn khắp mông, vì vậy giảm khả năng tạo đường cong như mong muốn. Đây cũng là mong muốn của nhiều nhóm bệnh nhân, khi họ muốn hình thể mông ‘đẹp’ nhìn từ phía bên cũng như phía sau. Nói cách khác, họ muốn mông nhô ra phía sau nhiều hơn là một cặp mông quá lớn. Vì thế, lựa chọn ưu tiên cho những bệnh nhân này là tạo hình mông bằng implant thay vì ghép mỡ.
Implant mông không chỉ áp dụng cho những bệnh nhân có vùng mông phẳng, ghép mỡ lượng lớn cũng không phải là lựa chọn ưu tiên cho đa số các bệnh nhân. Tuy nhiên, các tác giả đã quan sát thấy rằng hầu hết bệnh nhân có mông đúng kích thước thì chỉ yêu cầu ghép mỡ vào đúng những vùng thiếu hụt, như vùng mấu chuyển, cực trên của mông, lõm thần kinh hông to để tạo được độ tròn trịa và hình chiếu mong muốn.
5. GHÉP MỠ HAY IMPLANT?
Cần hút được một lượng mô mỡ tương đối lớn để ghép vào vùng mông. Vì thế ở những bệnh nhân gầy, implant là lựa chọn tối ưu hơn cả. Ở hầu hết các bệnh nhân có nguồn mỡ dồi dào, người ta có thể dễ dàng tạo hình mông dựa trên lượng mỡ thu được từ các vị trí khác. Do đó, ngay cả các Bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiệm implant mông vẫn ưa thích dùng ghép mỡ hơn là kỹ thuật implant. Trong thực hành lâm sàng, ghép mỡ cũng được thực hiện nhiều hơn là implant. Hơn 70% các trường hợp implant mông sau đó cũng cần thực hiện thêm ghép mỡ để có được kết quả thẩm mỹ tốt hơn.
6. TẠI SAO CHỌN MẶT PHẲNG TRONG CƠ THAY VÌ CÁC MẶT PHẲNG NÔNG HƠN?
Implant mông có thể đặt ở mặt phẳng sâu, như lớp dưới cơ và trong cơ, hoặc các mặt phẳng nông như dưới da và dưới cân. Mỗi một mặt phẳng này đều có những đặc điểm khác nhau, dẫn tới kết quả cũng khác nhau tùy thuộc. Mặt phẳng trong cơ tỏ ra ưu việt hơn khi chúng làm giảm tỉ lệ lộ mô cấy dưới da và khả năng xảy ra biến chứng. Chống chỉ định đặt túi im- plant ở mặt phẳng nông ở những bệnh nhân gầy vì khả năng lộ mô cấy rất cao. Ở những bệnh nhân có lượng mỡ vùng mông tương đối nhiều, có thể che phủ tốt mô cấy thì vẫn có thể áp dụng đặt mô cấy ở mặt phẳng dưới cân, tuy nhiên sau vài năm thì lớp cân sẽ giảm độ đàn hồi và mô cấy có thể bị lộ. Nói chung, đặt ở mặt phẳng càng nông thì mô cấy càng dễ bị lộ. Trong một số trường hợp. mô cấy chỉ có thể được nhìn thấy khi bệnh nhân di chuyển, cúi người về phía trước hoặc co cơ mông. Hình ảnh hậu phẫu của bệnh nhân cho thấy kết quả tốt khi nhìn ở tư thế đứng có thể không phản ánh kết quả thực tế. Một vấn đè khác thường liên quan đến mặt phẳng dưới cân là tình trạng xuất hiện bướu huyết thanh muộn. Mặc dù tỷ lệ này cao nhưng hầu như chưa có báo cáo nào về tần suất xuất hiện trung bình của chúng trên các nhóm bệnh nhân.
Một nhược điểm của mặt phẳng dưới cơ là không gian để đặt vật cấy rất hạn chế. Thực tếkhi áp dụng mặt phẳng này, chỉ có thể đặt túi ở vị trí trên cơ hình lê vì phần dưới cơ hình lê là thần kinh hông to, chúng không được bảo vệ bởi một tổ chức nào khác nên việc đặt túi cấy ở dưới sẽ gây tổn hại đến chúng. Vì thế, khi sử dụng mặt phẳng này, cực trên sẽ được làm đầy là chính và như vậy có thể tạo ra hiệu ứng bong bóng kép (ranh giới cực trên và cực dưới là một đường lõm mất thẩm mỹ).
Tất cả những vấn đề xuất phát từ việc sử dụng mặt phẳng dưới da, dưới cân và dưới cơ như bướu huyết thanh, lộ mô cấy, hiệu ứng bong bóng kép đều sẽ được giải quyết khi đặt mô cấy ở trong cơ. Do đó, mặt phẳng này thường được ưu tiên trong implant mông.
7. CƠ MÔNG LỚN VÀ NGUYÊN LÝ TẠO MẶT PHẲNG CẤY GHÉP
Dây thần kinh mông dưới phân thành nhiều nhánh đi vào cơ mông lớn (GM) qua mặt trước và một nhánh qua mặt sau. Bởi vì hầu hết các nhánh này không liên quan đến mặt phẳng cấy ghép, nên trong quá trình bóc tách hầu như không bị ảnh hưởng hoặc nếu có thì không đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì chức năng thần kinh đầy đủ và đạt được kết quả thẩm mỹ tốt, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Bóc tách giới hạn ở trong lớp cơ mông lớn.
- Nên bóc tách ở giữa lớp cơ mông lớn để tạo mặt phẳng đưa túi cấy vào.
8. MẶT PHẲNG SANDWICH TRONG CƠ MÔNG LỚN
Các tác giả gọi mặt phẳng được tạo bởi việc chia đôi lớp cơ mông lớn thành hai phần bằng nhau là mặt phẳng sandwich. Mặt phẳng này làm cho mô cấy có thể duy trì vị trí cố định trong quá trình co cơ. Khi một lớp có độ dày khác với lớp cơ còn lại thì sự cân bằng của lực cơ sẽ bị phá vỡ. Khu vực sâu hơn có nhiều khối cơ hơn và do đó lực cơ cũng mạnh hơn khu vực nông. Trong trường hợp này, khi cơ co lại, sẽ đẩy khối implant về phía cơ mỏng hơn. Áp lực liên tục này lâu dần sẽ gây ra tình trạng teo cơ. Hơn nữa, các lớp cơ mỏng cũng có thể bị teo do thiếu máu cục bộ hoặc do mất thần kinh chi phối. Bất kỳ việc bóc tách nào liên quan đến mặt sau của cơ và lớp cân của của chúng đều dẫn tới hiện tượng bóc tách khối cơ không đều, dẫn tới teo cơ do thiếu cấp máu. Nói chung, khối cơ càng mỏng càng ít được tưới máu, do tình trạng chèn ép của khối implant và của khối cơ còn lại khi vận động. Hơn nữa, độ mỏng này cũng liên quan tới tình trạng mất thần kinh chi phối. Trong tình huống này, có nguy cơ mô cấy sẽ bị lộ khi bệnh nhân uốn cong mình về phía trước, nâng cao chân hoặc co cơ.
Hầu hết các Bác sĩ phẫu thuật nếu không được đào tạo bài bản thì khi bóc tách lớp cơ mông lớn, đều lo ngại sẽ làm tổn thương dây thần kinh hông to. Hầu hết các kết quả khôngđạt yêu cầuđều xuất phát từ việc bóc tách quá nông hoặc đặt túi implant không nằm gọn trong cơ.
9. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI BÓC TÁCH CƠ
Tạo một khoảng không gian trong lớp cơ mông lớn không phải là một kỹ thuật đơn giản. Phần bóc tách, cũng là khâu quan trọng nhất của phẫu thuật, lại là khâu được làm mù hoàn toàn. Ngay cả khi có thể quan sát được lớp cơ bóc tách trong khi phẫu thuật, cũng sẽ rất khó để xác định mặt phẳng và độ sâu chính xác cần đạt tới để chia đôi cơ mông lớn. Rất khó để xác định liệu chúng ta có thể tạo ra một mặt phẳng sandwich phù hợp hay không. Hơn nữa, không có mốc giải phẫu nào được sử dụng để làm hướng dẫn và lúc này các điểm đánh dấu trên da cũng không còn hữu ích nữa.
10. PHƯƠNG PHÁP XYZ VÀ CÁCH THIẾT LẬP MẶT PHẲNG CẤY GHÉP DỰA TRÊN GIẢI PHẪU
Không có các mốc giải phẫu phù hợp để bóc tách và bóc tách mù là những khó khăn chính trong việc thiết lập mặt phẳng sandwich chính xác. Bất chấp những thách thức này, các tài liệu tham khảo về giải phẫu có thể hữu ích cho việc hướng dẫn.Đây là mụcđích chính của phương pháp XYZ: thực hiện bóc tách trong cơ được hướng dẫn bởi các mốc giải phẫu tham chiếu ra bên ngoài để tạo ra mặt phẳng sandwich thích hợp.
Các điểm X, Y, Z liên quan với khối cơ mông lớn, trong mặt phẳng sandwich. Bằng cách nối hai điểm (X, Y) bằng bộ bóc tách, từ đó kéo dài đường thẳng này tới điểm Z để hình thành mặt phẳng sandwich.
11. PHẪU THUẬT
11.1.Đánh dấu
Đỉnh của đường liên mông (đường A) được đánh dấu khi bệnh nhân ở tư thế đứng. Tất cả các điểm còn lại được đánh dấu khi bệnh nhân ở tư thế nằm sấp, khi đã vào phòng mổ. Từ điểm cao nhất của đường A đi xuống vẽ một đường hình thoi rộng khoảng 4-5mm dài khoảng 7cm. Từ đó vẽ ra hai đường cong có chiều cao khoảng 7cm đối xứng sang hai bên, tạo thành hình trái tim ngược như hình 1.
11.2.Bộc lộ cơ và bảo tồn dây chằng cùng-cụt
Đưa dung dịch Klein bằng 1 kim 21G đẩy sâu ¼ chiều dài theo góc xiên vào vùng trái tim ngược để dễ dàng bóc tách. Lượng dung dịch này sẽ nằm ở vùng trên cân, dùng khoảng 40 cc cho mỗi bên và 40 cc ở vùng trên đường liên mông. Nếu không đưa lượng dịch này vào, khả năng sẽ khó bóc tách khối cơ, đồng thời dễ gây chảy máu cho bệnh nhân. Hai đường song song của hình thoi trên đường liên mông được rạch, dao để vuông góc cho tới khi bộc lộ được lớp dưới da, sau đó tiến hành bóc tách ở góc 45 độ hình trái tim ngược, chú ý bảo tồn dây chằng cùng-cụt, cho tới khi bộc lộ được lớp cân cơ. Dây chằng cùng-cụt đã được các tác giả mô tả trước đó, và chúng có vai trò tạo hình cho cấu trúc và độ sâu của đường liên mông. Khi vết rạch này được đóng lại, dây chẳng này sẽ giúp tái tạo lại đường liên mông với độ sâu nguyên thủy của nó. Bóc tách lớp cơ nên bảo tồn lớp cân tối đa để khâu gá cố định lớp cơ lên sau này và nên sử dụng hình trái tim ngược để hướng dẫn đường bóc tách.
11.3.Bảo tồn dây chằng cùng-cụt
Dây chằng cùng-cụt là một cấu trúc dạng sợi vững chắc nối mặt trong mào xương cùng với xương cụt, đồng thời chúng bám thẳng vào da vùng mông và có vai trò tạo độ sâu cho rãnh liên mông. Như vậy, khi thực hiện đường rạch trên rãnh liên mông, phải hết sức cẩn thận tránh đưa dao cắt đứt dây chằng này vì chúng có thể làm ảnh hưởng tới hình thể nếp liên mông sau phẫu thuật. Bảo tồn dây chằng này giúp người Bác sĩ phẫu thuật tái tạo lại rãnh liên mông một cách dễ dàng đồng thời tránh bục vết mổ sớm sau phẫu thuật. Vì thế nên trong các bước thực hành, chúng tôi đã cố tình rạch một dải da dạng hình thoi kích thước 7cm x 4-5mm để tránh đưa dao phạm vào dây chằng này. Lúc thực hiện đường rạch, cũng khuyến cáo để dao vuông góc với bề mặt da và độ sâu chỉ tới tổ chức dưới da, cũng với mục đích không làm ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu dây chẳng này. Ngay sau đó, chuyển hướng đường dao qua rạch hình trái tim ngược, chúng tôi đưa dao trở về góc 45 độ để thuận tiện cho Bác sĩ phẫu thuật, đồng thời đặt độ sâu đến lớp cân cơ thay vì tổ chức dưới da như đường rạch cạnh rãnh liên mông.
11.4.Bộc lộ khối cơ
Đưa dung dịch Klein bằng 1 kim 21G đẩy sâu ¼ chiều dài theo góc xiên vào vùng trái tim ngược để dễ dàng bóc tách. Lượng dung dịch này sẽ nằm ở vùng trên cân, dùng khoảng 40 cc cho mỗi bên và 40 cc ở vùng trên đường liên mông. Nếu không đưa lượng dịch này vào, khả năng sẽ khó bóc tách khối cơ, đồng thời dễ gây chảy máu cho bệnh nhân. Khi bóc tách để bộc lộ khối cơ phải bảo tồn tối đa.
11.5.Điểm X
Để tách cơ tạo mặt phẳng sandwich, phẫu thuật viên phải thành thục để có thể chia đôi được bề dày khối cơ tại hai điểm: tại vị trí bắt đầu bóc tách (cạnh xương cùng– gọi là điểm X) và mặt ngoài khối cơ cạnh mào chậu – gọi là điểm Y.
Khi đã nhìn thấy được khối cơ, rạch một đường dọc qua lớp cân để tiếp cận vào khối cơ mông lớn, bóc tách một đường dài 5-6 cm và sâu khoảng 3 cm từ vị trí ban đầu. Điểm X được xác định là điểm sâu khoảng 2.5 – 3 cm bắt đầu từ vị trí bóc tách khối cơ.
Tại vị trí bóc tách ban đầu (cạnh xương cùng), cơ dày khoảng 4-5.5 cm. Trong quá trình phẫu thuật, có thể dễ dàng xác định độ dày này bằng cách đưa ngón trỏ theo đường bóc tách cơ đi dọc về phía xương cụt cho tới khi chạm tới dây chằng cùng cụt. Dây chằng này có thể dễ dàng xác định được, vì khi chạm được vào chúng có cảm giác như chạm vào ngón tay người. Vì dây chằng này là giới hạn phía trước của khối cơ, nên độ dày sẽ được tính từ mặt sau cùng của khối cơ tới vị trí sờ thấy dây chằng. Để xác định vị trí điểm X, nên tính chính xác độ sâu của khối cơ rồi chia cho 2, từ đó bóc tách tới chiều sâu tương ứng. Nhưng trong thực tế, chỉ nên lấy tới độ sâu tối thiểu (tức là quy ước lấy mốc 2.5 cm đối với người có khối cơ mỏng và 3 cm với người có độ dày khối cơ > 5cm) (Hình 2).
11.6.Đường G
Đường G hay còn gọi là đường bờ ngoài của cơ mông lớn, là đường cong nằm trên mặt ngoài cánh chậu, cách gai chậu sau trên khoảng 5cm. Đầu tiên, xác định mào chậu và đánh dấu đường cong đó. Tiếp theo, xác định vị trí gai chậu sau trên và đo đoạn 5 cm ra phía bên ngoài, đặt một điểm T, kẻ một đường thẳng nằm trên mặt ngoài cánh chậu sao cho chúng vuông góc với đường nối từ điểm T tới mấu chuyển lớn (điểm Z), đây chính là giới hạn ngoài của khối cơ mông lớn (Hình 3).
11.7.Điểm Y
Ở phần trên-ngoài của của khối cơ mông lớn, độ dày của chúng chỉ khoảng 2 cm. Tại điểm này, cơ mông lớn dính chặt vào cả mào chậu và xương cánh chậu; cụ thể, ½ số bó cơ bám vào mào chậu (khoảng 1cm) và nửa còn lại bám vào xương cánh chậu. Trong quá trình phẫu thuật, Bác sĩ có thể dễ dàng xác định được giao điểm của mào chậu và cánh chậu. Trong thực tế, giới hạn ngoài này được xác định bằng cách vẽ đường G, như đã mô tả ở trên. Độ dày khối cơ tại vị trí này được xác định bằng cách đặt ngón tay lên giao điểm của mào chậu và đường G và ấn xuống tới độ sâu 1cm. Đây chính là vị trí của điểm Y. Vậy ta có điểm nối từ X tới Y chính là đường cần bóc tách để chia đôi khối cơ.
11.8.Tạo đường nối điểm X và Y
Khi đã xác định được đường G, điểm X và Y, bước tiếp theo là nối hai điểm này lại và đường này trở thành đường dẫn khi bóc tách. Bằng cách dùng một dụng cụ bóc tách đầu tù đi từ vị trí điểm X, dọc theo đường XY tới vị trí ngón tay đã ấn sẵn vào điểm Y cho tới khi đầu ngón tay sờ thấy đầu của dụng cụ bóc tách thì dừng lại, như mô tả trong hình 4.
11.9.Tạo mặt phẳng bởi đường X-Y
Đường XY sẽ giúp tạo mặt phẳng chia đôi khối cơ. Khi dùng dụng cụ để bóc tách, sẽ đẩy thẳng chúng từ vị trí điểm X tới điểm Y, từ đó thực hiện động tác vừa xoay vừa tách khối cơ, hướng đầu dụng cụ về phía điểm Z, tạo thành hình ¼ đường tròn, như mô tả trong hình 5.
11.10.Mở rộng các góc túi implant
Khi đã thực hiện xong các thao tác trên, phần trên của vỏ khối implant gần như đã hoàn thiện. Đặt một dụng cụ banh không mấu (retractor) dài 12cm ở phía trên và 10cm ở phía dưới. Đưa một đèn sợi quang vào quan sát bên trong, hãy chắc chắn rằng không còn để sót lại một vách cơ nào trong kho- ang sandwich. Tiếp theo, dùng bộ bóc tách, tiếp tục bóc về phía dưới của khoang bằng một forcep có đầu phẳng, hình thoi (tương tự như mỏ vịt trong thăm khám sản khoa). Công cụ này hoàn tất phần phân tách các bó cơ, phá vỡ hoàn toàn các vách ngăn giữa các bó cơ để tạo khoang sandwich như mong muốn.
11.11.Tạo tính cân đối hai bên
Trong quá trình thực hiện nếu không đi theo đúng từng bước như được mô tả ở trên với công đoạn đánh dấu các điểm xuất chiếu cẩn thận thì một trong những biến chứng thường gặp nhất là tình trạng khối implant không cân đối hai bên. Với phương pháp XYZ này, phần bóc tách trong cơ được định hướng bởi khung chậu, một mốc giải phẫu cố định nên sẽ hạn chế được tối đa biến chứng này. Theo quan điểm thẩm mỹ, mô im- plant nên được đặt càng cao càng tốt trong khối cơ, giúp tạo hình thể đẹp ở cực trên của mông. Túi phải được mở rộng tùy theo hình dạng và thể tích khối implant, tuyệt đối không quá rộng hoặc quá chật. Sau khi implant xong, nên so sánh và điều chỉnh mô cấy hai bên sao cho cân đối. Trong một số trường hợp, có thể dùng ngón tay để bóc tách chỉnh sửa sao cho hai bên cân xứng. Các loại implant hình oval phải được đặt theo chiều dọc, với phần lớn hơn ở phía trên.
11.12.Đóng vết mổ
Trước khi đóng vêt mổ nên đặt một dẫn lưu hút áp lực âm để loại bỏ lượng máu và dịch tiết ở khoang sandwich (khoảng 50-80 cc), và quan trọng hơn là tránh cho bệnh nhân các cơn đau thần kinh hông to do phù nề và lượng dịch tiết chèn ép. Dẫn lưu nên được rút bỏ sau 2 ngày. Một dẫn lưu bổ sung nên đặt ở vị trí tách cân để tránh biến chứng bướu huyết thanh nhỏ ở khu vực này. Để đóng cơ, tác giả khuyên dùng chỉ 2-0 tự tiêu, mối liên tục, tiếp sau đó là một đường chỉ tương tự ở vị trí giao thoa của cơ mông lớn với lớp cân ở ngay phía trên để gá chúng vào với nhau (gọi là mũi quilting). Mũi khâu này được tiếp tục khâu vào phần mô dưới da ở vùng trái tim ngược (được mô tả ở phía dưới) sau khi đã đi hết một lượt đường rạch ở cân cơ mông lớn.
Dải da hình trái tim ngược ban đầu được cắt ra, Bác sĩ sẽ lọc phần ngoại bì bỏ đi, để lại trung và hạ bì. Sau đó đặt lại vị trí cũ, khâu nối phần hạ bì hai bên với dây chằng cùng cụt để tạo hình lại rãnh liên mông. Lúc này mối khâu cân cơ vừa nãy sẽ được khâu tiếp với lớp hạ bì này trước khi đóng da.
11.13.Chăm sóc hậu phẫu
Thủ thuật này có thể gây đau cho bệnh nhân, vì thế nên dùng bộ kit tê ngoài cứng để giải quyết vấn đề này. Tác giả thường dùng Ropiv- acaine 0.15%, 20 cc trong mỗi 6h. Bệnh nhân nên duy trì tư thế nằm sấp trong 48h sau phẫu thuật. Sau khi xuất viện, họ có thể đi bộ hoặc ngồi như bình thường. Trong tuần đầu tiên, bệnh nhân nên tránh nằm sấp quá lâu để tránh di lệch khối implant cũng như phù nề chèn ép thần kinh hông to. Sau 1 tuần, bệnh nhân có thể ngồi để lái xe (Hình 6 và 7).
12. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gonzalez-Ulloa M. Gluteoplasty – a ten years report. Aesthetic Plast Surg 1991;15:85–7.
2. Robles JM, Tagliapietra JC, Gran- di M. Gluteoplastia de aumento: implante submuscular. Cir Plast Iberolat 1984;X:4–9.
3. Gonzalez R. Gluteoplasty: per- sonal modifications of the Robles technique. In: Toledo S, editor. Re- cent Advances in Plastic Surgery 90. Sao Paulo, Brazil:Editora Grafi- ca do Estadao; 1992. p. 166–71
4. Gonzalez R. Pro´tese para a re- gia˜o glu´tea (Prostheses for gluteal a´rea). In: Tournieux AAB, editor. Atualizac¸a˜o em Cirurgia Pla´stica. Sa˜o Paulo (Brazil):Robe Editorial; 1992. p. 555–70.
5. Vergara R, Marcos M. Intramus- cular gluteal implants. Aesthetic Plast Surg 1996;20:259–62.
6. De la Pen˜a JA. Subfascial tech- nique for gluteal augmentation. Aesthet Surg J 2004;24(3):265–7.
7. Cocke WM, Ricktenson G. Gluteal augmentation. Plast Reconstr Surg 1973;52:93.
8. Bruner TW, Roberts LT III, Nguy- en K. Complications of buttocks
133 augmentation: diagnosis, manage- ment and prevention. Clin Plast Surg 2006;33(3):449–66.
9. Gonzalez R. Late intracapsular seroma in subfascial buttock aug- mentation: a case report. Aesthetic Plast Surg 2006;30(5):599–604.
10. Flores-Lima G. Cutaneous fis- tulas and acute seroma after sub- fascial gluteal implants. Aesthetic Plast Surg 2008;32(5):810–2.
11. Gonzalez R. Augmentation glu- teoplasty: the XYZ method. Aes- thetic Plast Surg 2004;28:417–25.
12. Gonzalez R. Gluteal implants: the “XYZ” intramuscular method. Aesthet Surg J 2010;30(2):256–64.
13. Gonzalez R. Buttocks reshap- ing – posterior contour surgery: a step-by-step approach. Rio de Janeiro (Brazil): Editora Indexa; 2006. p. 109–60.
14. Flores-Lima G. Surgical pock- et location for gluteal implants: a systematic review. Aesthetic Plast Surg 2013;37:240–5.
15. Flores-Lima G, Eppley BL. Body Contouring with solid sili- cone implants. AestheticPlastSurg 2009;33:140–6.
16. Gonzalez R. Remodelagem glu- tea. In: Pitanguy I, editor. Cirurgia Plastica – uma visa˜o de sua ampli- tude.Sao Paulo, Brazil: Editora Ath- eneu; 2016. p. 553–62.
17. Gonzalez R, Mauad F. Intraop- erative ultrasonography to guide intramuscular buttock implants. Aesthet Surg J 2012;32(1):125–6.
Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề